Văn hóa xã hội

Bài tuyên truyền về an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
Ngày đăng 20/12/2023 | 10:23  | Lượt truy cập: 298

Bài tuyên truyền an toàn giao thông

Hiện nay an toàn giao thông đang là vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm. Ở nước ta, mỗi năm tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, bình quân mỗi ngày trên cả nước xảy ra gần 40 vụ tai nạn giao thông làm chết khoảng 30 người, gây thiệt hại về vật chất hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến các chi phí cho những người tàn tật và mất khả năng lao động. Mỗi chúng ta hãy nâng cao trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông.

Chủ đề Năm An toàn giao thông 2022“An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”; kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hoạt động vận tải hành khách công cộng nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, không vi phạm bảo vệ các công trình đường sắt; không vượt rào, chắn đường ngang; không vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng.

Đối với người dân ven các tuyến đường, tuyến phố: không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, treo, đặt biển quảng cáo, làm mái che mái vẩy gây cản trở giao thông; không vứt rác ra đường; gương mẫu trong các hành vi văn hóa giao thông.

Đối với người đi bộ: đi bộ trên vỉa hè; sang đường đúng nơi quy định; đi đúng vạch sơn tại nút giao; bảo đảm đi đúng phạm vi đèn tín hiệu cho phép; quan sát kỹ khi đi đường nhất là khi qua nút giao; không tụ tập dưới lòng đường.

Đối với người điều khiển phương tiện giao thông: Không vi phạm về nồng độ cồn, quy định về tốc độ, không vượt đèn đỏ, không đi vào đường cấm, ngược chiều; không phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách; không vi phạm làn đường, vạch sơn; không đi xe trên hè phố; dùng còi xe phù hợp; dừng, đỗ đúng nơi quy định; nhường đường khi tham gia giao thông.

Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông không có cách nào khác là phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên tất cả các tuyến đường góp phần giảm hậu quả tai nạn giao thông cho chúng ta. Mỗi cá nhân chúng ta cần nhớ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Một số khẩu hiệu tuyên truyền:

1. An toàn giao thông - trách nhiệm của mỗi người.

2. Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe.

3. Đã uống rượu, bia - không lái xe.

4. Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường.

5. Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.

Bài tuyên truyền mẫu 2

Các bạn thân mến!

Hiện nay an toàn giao thông là một vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, nhưng thực tế tai nạn giao thông dẫn đến chết người từ xe đạp điện đã xảy ra.

Nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện phần lớn là do chủ quan, nhiều người cho rằng xe đạp điện là phương tiện giao thông đơn giản giống như xe đạp thông thường nên chưa chú ý trọng việc chấp hành ATGT, nhất là lỗi không đội mũ bảo hiểm. Đa phần xe đạp điện có thể đi ở tốc độ 35-40km/h. Tốc độ này là bình thường với xe máy nhưng là tốc độ cao với xe đạp điện. Xe đạp điện nhẹ hơn xe máy rất nhiều nên ở tốc độ này không hề an toàn, dễ gây TNGT. Bên cạnh đó, hầu hết người sử dụng xe đạp điện là các bạn học sinh, kinh nghiệm xử lý tình huống khi tham gia giao thông chưa nhiều nên dễ xảy ra tai nạn. Các hình thức xử lý hiện tại chưa đủ sức răn đe. Do vậy, về lâu dài, để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để làm gương, răn đe. Đồng thời, người sử dụng xe đạp điện cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ:

+ Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện

+ Đi đường quan sát,không phóng nhanh vượt ẩu, dàn hàng ngang…

+ Không lạng lách, đánh võng... gây mất trật tự và mất an toàn giao thông cho những người đang tham gia giao thông.

- An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người mỗi gia đình và toàn xã hội.

Chúc các bạn luôn an toàn trên mọi tuyến đường và là những tuyên truyền viên tích cực góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Bài tuyên truyền mẫu 3

Hiện nay an toàn giao thông đang là vấn đề nóng hổi và bức xúc của toàn xã hội. Chỉ một sơ suất nhỏ, chỉ một phút giây thôi, tai nạn giao thông sẽ gây ra đau thương mất mát cho gia đình ai đó và từng ngày, từng giờ những tai nạn giao thông vẫn đang cướp đi sinh mệnh của bao người, gây thương tích, tàn phế và đem đến nỗi đau tinh thần không gì bù đắp được cho hàng ngàn người thân của họ.

Đáng tiếc nhất đó là những tai nạn giao thông do chính những người đi bộ gây ra. Mặc dù Nhà nước đã quan tâm xây dựng nhiều công trình cho người đi bộ sang đường như cầu vượt, hầm đường bộ… nhưng nhiều người vẫn không đi đúng phần đường của mình. Vậy người đi bộ khi tham gia giao thông phải tuân thủ những quy định nào?

Điều 32, Luật Giao thông đường bộ, người đi bộ phải tuân thủ các quy tắc giao thông như sau:

1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Nếu vi phạm, người đi bộ sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 9, Nghị định 171/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi đúng phần đường quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

b) Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;

c) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Trên đây là những quy định dành cho người đi bộ khi tham gia giao thông. Vấn đề này cần sự ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể của từng cá nhân trong xã hội này. Hy vọng là một ngày gần đây, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu tối đa, đem lại nhiều niềm vui cho những ai tham gia giao thông. Và thông điệp tôi muốn gửi tới các bạn sau bài viết này là “Bạn và tôi hãy cùng nhau thực hiện tốt luật an toàn giao thông như chúng ta đã cam kết”.

Nguồn: Lê Ngọc Viện. Công chức văn hóa - xã hội

Phê duyệt của lãnh đạo

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Bài tuyên truyền an toàn giao thông

Tai nạn giao thông là hiểm họa thường trực đối với mỗi người khi tham gia giao thông. Trên phạm vi cả nước, mỗi ngày xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông làm chết và bị thương nhiều người; hậu quả để lại nỗi đau cho người thân, thêm một gánh nặng cho xã hội và gây tổn thất về vật chất của gia đình và xã hội. Trước thực trạng đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông luôn được xem là mục tiêu quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Cùng với đó việc thực hiện tốt công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực đông dân cư, ngăn chặn và xử lý nghiêm, không để tình trạng lấn chiếm và tái chiếm hành lang an toàn giao thông. Đối với các hộ dân ven các tuyến đường, khu phố không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để treo biển quảng cáo, làm mái che, bày hàng kinh doanh buôn bán, gây cản trở giao thông. Đối với người đi bộ, đi trên vỉa hè; sang đường đúng nơi quy định, đi đúng vạch sơn tại nút giao, bảo đảm đi đúng phạm vi đèn tín hiệu cho phép, quan sát kỹ khi đi qua các nút giao, không tụ tập dưới lòng đường. Đối với người điều khiển phương tiện giao thông có gắn động cơ, khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm đúng cách; không vi phạm về nồng độ cồn, quy định về tốc độ; không vượt đèn đỏ; không phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách; không vi phạm làn đường; không đi xe trên hè phố; dừng, đỗ xe đúng nơi quy định; nhường đường khi tham gia giao thông.

Năm An toàn giao thông năm 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn, gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm của toàn xã hội trong việc thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Triển khai đồng bộ các giải pháp trật tự, An toàn giao thông phù hợp trong điều kiện dịch bệnh, kiềm chế giảm tai nạn giao thông về số vụ, số người chết và số người bị thương, với mục tiêu “ Vì sức khỏe sinh mạng của người tham gia giao thông ”.

Bên cạnh đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Năm An toàn giao thông 2022 theo kế hoạch, thì các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tiến hành rà soát trên các tuyến giao thông, phát hiện các điểm đen những công trình đường bộ chưa hợp lý để kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục. Xem công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người dân. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện luật giao thông, cần đặc biệt quan tâm nâng cao kỹ năng cho người lái xe mô tô, xe máy, xe có gắn động cơ.

Để hạn chế tối đa tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và của toàn xã hội, hơn ai hết mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Rất cần có sự tăng cường nhiều mặt để đẩy mạnh có hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Có như vậy, mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông trong thời gian tới mới chuyển biến tích cực hơn. Mỗi gia đình, các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội hãy giáo dục tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình chấp hành tốt luật giao thông và tiến tới xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện, góp phần giảm thiểu về tai nạn giao thông.

Bản đồ hành chính